Thị trường bán lẻ Việt Nam đang được phân chia lại khi Central Group của Thái Lan đã mua lại Big C Việt Nam của Tập đoàn Casino Group – Pháp với giá 950 triệu euro.
Ngày 29/4 vừa qua, chỉ chưa đầy 10 tiếng đồng hồ sau khi ông Diệp Dũng – Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op – thông báo với trước buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng DN rằng Saigon Co.op đã lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc đua mua lại chuỗi siêu thị Big C, tập đoàn Casino Group của Pháp đã chính thức ra thông báo đạt thỏa thuận bán lại Big C Việt Nam cho Central Group của Thái Lan với giá 950 triệu euro.
Từ thất bại của Saigon Co.op
Không biết vào thời điểm đó ông Diệp Dũng có biết kết quả cuộc đua đã ngã ngũ hay chưa, vì những gì ông nói tại buổi sáng hôm đó chỉ thừa nhận Saigon Co.op đang ở “tình thế hơi khó khăn” vì chưa xin được giấy phép đầu tư ra nước ngoài (do Big C là Cty được thành lập ở nước ngoài). Như vậy, chỉ đạo của Thủ tướng đối với Bộ KH – ĐT ngay tại buổi đối thoại nhằm gỡ vướng cho Saigon Co.op thâu tóm lại Big C chưa kịp thực hiện, Saigon Co.op đã trở thành người thua cuộc ngay trong ngày hôm đó.
Thành công của Central Group, cùng với đối tác Việt là Nguyễn Kim, đã một lần nữa làm dấy lên những quan ngại về sự lấn lướt của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ở thị trường Việt Nam. Và dĩ nhiên, sở hữu tất cả 32 siêu thị Big C trên khắp cả nước, Central Group sẽ củng cố địa vị vốn đã rất vững chắc của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo thông báo từ chính Central Group, tập đoàn bán lẻ này hiện có hơn 6.600 nhân viên tại Việt Nam, làm việc tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau, bao gồm 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn; 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi.
Chỉ nửa năm trước, tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan cũng đã thâu tóm thành công hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ tay tập đoàn Metro Group của Đức. TCC Holdings tuyên bố thâu tóm lại Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đã đổi tên thành Mega Việt Nam) sẽ tạo cơ hội cho tập đoàn này hiện diện nhanh chóng ở thị trường Việt cũng như đưa các sản phẩm Thái Lan sang thị trường này.
Chính vì vậy, “Hiện nay công cụ để mở rộng quy mô trên thị trường bán lẻ là sát nhập và mua bán DN. Điều này xảy ra hết sức thuận lợi với các DN bán lẻ có yếu tố nước ngoài” – ông Diệp Dũng nói khi phát biểu tại buổi đối thoại với Thủ tướng.
Không chỉ có Central Group, TCC Holdings mà còn có cả các thương hiệu bán lẻ lớn của Nhật như Ministop, Aeon hay của Hàn Quốc như Lotte hay của Pháp như Auchan cũng đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Tỷ lệ nghịch với xu hướng đó là sự “teo tóp” dần mòn của các DN bán lẻ trong nước như Hapromart, Sapomart và G7 Mart. Những DN còn trụ được như Citimart, Fivimart… cũng đã phải bán bớt cổ phần cho Aeon.
Xét về thị trường, bán lẻ hiện đại càng phát triển và được dẫn dắt bởi những tập đoàn bán lẻ nước ngoài lớn, người tiêu dùng càng được hưởng lợi. Nhưng mặt trái lại nằm ở chỗ, ai nắm được hệ thống bán lẻ và có thị phần lớn thì khi đó sẽ điều tiết được cấu trúc của nền sản xuất. “Chính vì vậy thời gian qua chúng ta thấy các DN bán lẻ nước ngoài ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam” – ông Dũng chia sẻ.
Đến bài học cho thị trường
Với bất cứ nền kinh tế nào, phân phối và bán lẻ luôn là một thị trường “huyết mạch”. Chính vì nhận thức được điều đó nên ngay từ khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa thị trường bán lẻ cho DN nước ngoài vào năm 2019 để có thời gian cho DN bán lẻ nội chuẩn bị cạnh tranh. Và kể cả khi thị trường bán lẻ được mở cho DN nước ngoài, một rào cản khác được lập ra với quy định “Kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT) đối với các DN bán lẻ nước ngoài khi xin phép thành lập một điểm bán lẻ. Nói một cách khác là chính quyền địa phương sẽ xem xét nhu cầu thị trường thực tế tại khu vực đó có cần thêm một siêu thị nữa hay không rồi mới quyết định cấp phép. Đây thực chất là biện pháp bảo hộ các nhà bán lẻ trong nước và hạn chế sự mở rộng của các nhà bán lẻ nước ngoài.
ENT từng được các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận như là một rào cản đáng sợ khi tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Rất nhiều lời phàn nàn, phải đối từng được đưa ra đối với quy định này cách đây vài năm, nhưng đến nay thì dường như không nhà đầu tư nào nhắc đến ENT nữa. Và sự lớn mạnh của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài trên khắp cả nước cho thấy dường như biện pháp bảo hộ này không còn hiệu quả, hoặc không được áp dụng.
“Ta đã đạt được những thỏa thuận có thời gian, lộ trình bảo vệ cộng đồng bán lẻ trong nước, cũng như bảo vệ thị trường bán lẻ trong nước. Tuy nhiên việc triển khai những gì đạt được, cụ thể hóa những gì đạt được để bảo vệ DN bán lẻ trong nước, cũng như bảo vệ thị trường trong nước còn chậm” – ông Dũng chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM thậm chí còn cho rằng quy định ENT chưa cụ thể và “chưa phải là một khung ENT ở cấp độ toàn quốc, mỗi địa phương áp dụng ENT một kiểu”.
Do vậy, ông Minh cho biết, các nhà bán lẻ trong nước hầu như không được hưởng chính sách bảo vệ nào trong suốt thời gian qua như tinh thần mà đoàn đàm phán WTO của Việt Nam dự tính.
Trước những khó khăn của các nhà bán lẻ trong nước, cuối tháng Ba vừa qua Hiệp hội DN TP HCM đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát toàn bộ công tác cấp phép để mở điểm bán mới đối với các DN bán lẻ nước ngoài ở các địa phương, đồng thời kiểm tra, thanh tra về việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài, gồm cả các quy định về hoạt động M&A.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ cuối tháng Tư vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thanh tra Chính phủ rà soát, kiểm tra lại hoạt động của các DN bán lẻ nước ngoài, cũng như quá trình cấp phép. Động thái mới nhất là Cục Quản lý cạnh tranh vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MM Mega VN (nguyên là Công ty TNHH Metro Cash & Carry, vừa đổi tên sau khi được đại gia Thái Lan mua lại) giải trình về quá trình và các thủ tục giao dịch mua lại Metro VN, đồng thời cung cấp báo cáo thị phần kết hợp của các bên tham gia trong hai năm 2013-2014 theo quy định của Luật Cạnh tranh, trước ngày 30/5/2016.
Rõ ràng Chính phủ cũng đã có hành động trước sự “teo tóp” của DN bán lẻ nội, nhưng những biện pháp bảo hộ trong những thời gian tới như thế nào có lẽ vẫn còn phải chờ đợi.
Ngọc Linh
Vui lòng đợi ...